Đã bao giờ mắt bạn có triệu chứng bị ngứa, đỏ gây cảm giác khó chịu chưa? Các triệu chứng này khá thường gặp. Ở mức độ nhẹ thì nó sẽ tự khỏi chỉ sau một vài tiếng hoặc một ngày. Nhưng nếu nặng thì bạn phải tìm ra nguyên nhân và xử trí đúng cách mới có thể giảm triệu chứng. Dưới đây là một số nguyên nhân gây ngứa mắt và cách xử trí, hy vọng sẽ giúp bạn có được những kiến thức chữa bệnh đúng đắn:
Nội dung
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngứa mắt và cách xử trí
7 Nguyên nhân gây ngứa mắt thường gặp nhất phải kể đến đó là:
Dị ứng thời tiết
Dị ứng thời tiết hay còn gọi là dị ứng theo mùa. Tức là có một số người có cơ địa dị ứng với một kiểu thời tiết nhất định trong năm. Cứ gặp phải thời tiết như vậy thì hai mắt trở nên ngứa ngáy vô cùng khó chịu. Các chất gây dị ứng có thể đến từ phấn hoa hay các loại cây cỏ. Khi bị dị ứng không chỉ mắt mà mũi cũng khó chịu, có các biểu hiện như nghẹt mũi, sổ mũi, hắt hơi liên tục, chảy nước mũi.
Cách xử trí:
- Xác định tác nhân gây bệnh là loại phấn hoa, cây cỏ nào để tránh xa những nơi có nó.
- Cần phải đóng kín cửa nhà, cửa sổ, cửa xe (ô tô) nếu trong mùa của loài thực vật này.
- Tắm rửa sạch sẽ thường xuyên, giặt quần áo để loại bỏ phấn hoa bám vào cơ thể.
- Khi cần thiết phải ra ngoài thì mặc áo che kín cơ thể, đeo khẩu trang và kính râm để hạn chế tối đa sự tiếp xúc.
- Nếu các triệu chứng vẫn tiếp diễn xảy ra thì có thể sử dụng thêm thuốc kháng histamin không kê đơn để kiểm soát hiệu quả hơn.
Tác nhân dị ứng ngoài môi trường
Ngứa mắt cũng là một biểu hiện của tình trạng dị ứng. Nguyên nhân dị ứng của con người rất đa dạng không phải ai cũng giống nhau. Các tác nhân dị ứng thường gặp như khói bụi, nấm mốc, khói, khí thải, lông động vật, thậm chí là cả nước hoa, nước xả phải, xà phòng giặt quần áo…
Cách xử trí: Ở mức độ tiếp xúc từ ít đến trung bình thì chúng ta có thể xử trí bằng cách rửa mắt nhiều lần với nước muối sinh lý nhằm giảm triệu chứng. Nếu đỡ được là tốt nhất. Ngược lại tình trạng diễn biến nặng hơn tốt nhất hãy đến gặp bác sĩ.
Bị nhiễm trùng
Có thể nguyên nhân gây ngứa đến từ việc mắt bạn bị nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc nấm. Một bệnh lý gây ngứa tại mắt thường gặp nhất do nhiễm trùng đó là viêm kết mạc còn gọi với tên quen thuộc hơn là đau mắt đỏ. Triệu chứng đó là mắt đỏ, ngứa, chảy nước mắt. Bệnh rất dễ lây lan khi tiếp xúc gần với người bệnh.
Một bệnh khác đó là viêm màng bồ đào. Nó không chỉ gây ngứa mà còn gây đau, khiến cho mắt bị nhạy cảm hơn với ánh sáng. Nếu không phát hiện sớm và điều trị đúng cách kịp thời bệnh sẽ tiến triển nặng mà gây ra suy giảm thị lực, hay mắt có hiện tượng “ruồi bay”, thậm chí là tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể.
Với hai trường hợp này thì không thể tự ý điều trị ở nhà. Phải đến bác sĩ nhãn khoa. Thuốc thường được sử dụng là nhóm Steroid và nhóm kháng sinh.
Khô mắt
Tác dụng của nước mắt đó chính là giữ độ ẩm cho đôi mắt của bạn. Nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến sự điều tiết nước mắt không tốt. Điều này khiến cho mắt khô và ngứa. Có thể liệt kê một số nguyên nhân thường gặp như:
- Người cao tuổi bị lão hóa.
- Bệnh lý tiểu đường, viêm khớp dạng thấp
- Tác dụng phụ của các thuốc hạ áp, tiểu đường, tránh thai, thông mũi…
- Môi trường quá khô, gió, độ ẩm không khí thấp…
Hướng xử trí: Cách tốt nhất để khắc phục đó là sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc nước mắt nhân tạo không kê đơn.
Do mỏi mắt
Làm việc ở những nơi thiếu ánh sáng hoặc làm việc với màn hình máy tính quá lâu khiến cho mắt quá tải trong việc điều tiết và dẫn đến tình trạng mỏi mắt, ngứa mắt. Hoặc bạn lái xe vào ban đêm hoặc dưới trời nắng chói chang cũng là một nguyên nhân khác.
Cách xử trí: Trong trường hợp này cách tốt nhất đó chính là bạn phải có thời gian nghỉ ngơi để mắt tự điều tiết lại hoặc sử dụng các loại thuốc có tác dụng dưỡng mắt, bổ mắt.
Mắt bị viêm bờ mi
Viêm bờ mi có thể gây ra ngứa, đỏ mắt. Nguyên nhân sâu xa đó là do các tuyến dầu ở gốc mi mắt bị tắc nghẽn. Thực tế viêm bờ mi sẽ không gây ảnh hưởng tới thị lực nhưng đển nó diễn biến nặng thì các biến chứng có thể xảy ra cũng rất nặng nề.
Cách xử trí:
- Viêm bờ mi nhẹ có thể tự khỏi nếu bạn chú ý nhiều hơn đến cách vệ sinh mắt.
- Viêm bờ mi nặng thì phải sử dụng thuốc kháng sinh và thuốc hỗ trợ được bác sĩ kê đơn.
Sử dụng kính áp tròng không phù hợp
Nguyên nhân cuối cùng của ngứa mắt phải kể đến và cũng khá thường gặp đó là do đeo kính áp tròng không phù hợp. Đôi mắt là bộ phận khá nhạy cảm. Đeo kính áp tròng rất tiện lợi, có tính thẩm mỹ cao nhưng không phải ai cũng thích dùng bởi vì nó rất dễ gây kích ứng. Nguyên nhân đến từ chất liệu làm kính hoặc việc đeo kính không đúng cách. Kích ứng này sẽ gây ngứa thậm chí nếu không vệ sinh đúng cách còn gây viêm.
Cách xử trí:
- Chọn chất liệu kính phù hợp.
- Đeo kính đúng cách.
- Vệ sinh thật kỹ trước khi đeo kính.
- Khi bị ngứa thì phải tháo kính ra ngay, rửa mắt bằng nước muối sinh lý.
>>>Xem thêm
- Cách Giảm cận thị 1-2 độ không cần phẫu thuật
- Thuốc nhỏ mắt chống mỏi mắt
- Mắt bị đỏ 1 bên nhưng không đau
Khi bị ngứa mắt NÊN và KHÔNG NÊN làm gì
Điều quan trọng trước tiên khi bị ngứa mắt là chúng ta phải tìm được nguyên nhân gây bệnh. Từ đó mới có cách xử trí sao cho phù hợp, tránh tình trạng bệnh tiến triển nặng thêm do điều trị sai nguyên nhân. Nói chung khi bị ngứa mắt chúng ta cần lưu ý những điều dưới đây:
- Tốt nhất là nên kiêng các loại đồ uống có chứa chất kích thích, đồ ăn cay nóng.
- Mặc dù ngứa nhưng không nên dùng tay trực tiếp dụi vào mắt gây ra tổn thương hoặc nhiễm trùng.
- Nếu ngứa do các tác nhân dị ứng gây ra thì cần nhanh chóng tránh xa các tác nhân này.
- Khi đi ra ngoài nhất là đi đường cần đeo kính bảo vệ mắt.
- Không nên tự ý mua các loại thuốc nhỏ mắt. Do cấu trúc nhãn cầu và mắt rất phức tạp, dễ bị tổn thương. Phải lựa chọn loại thuốc đúng chỉ định nên cần có sự thăm khám và tư vấn của bác sĩ.
- Nước muối sinh lý là thuốc nhỏ mắt chống khô ngứa quốc dân mà nhiều người biết. Nhưng khi mua bạn phải chọn loại chuyên dụng cho mắt. Nhỏ thuốc cần phải có khoảng cách từ lọ thuốc đến mắt.
- Không sử dụng chung thuốc nhỏ mắt với người khác.
- Chỉ sử dụng thuốc nhỏ mắt trong vòng 2 tuần tính từ khi mở nắp.
- Khám bác sĩ khi áp dụng các phương pháp đơn giản không mang đến hiệu quả.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Bạn cần đến gặp bác sĩ nếu nằm trong các trường hợp dưới đây:
- Đã áp dụng các cách xử trí trên nhưng triệu chứng không thuyên giảm.
- Mắt tiết dịch đặc, mí mắt dính vào nhau khó mở.
- Mắt suy giảm thị lực, nhìn mờ. Thị lực bất thường, thấy các ám điểm hay hào quang.
- Có kèm theo triệu chứng sưng đau.
Trên đây là những nguyên nhân gây ngứa mắt và cách xử trí tốt nhất cho từng trường hợp. Hy vọng bài viết đã đem lại cho quý độc giả những kiến thức bổ ích.