Phẫu thuật Phaco – Phẫu thuật thay thủy tinh thể [Từ A-Z]

Phẫu thuật Phaco thay thủy tinh thể hiện đang là phương pháp điều trị tối ưu, tốt nhất hiện nay cho những bệnh nhân bị đục thủy tinh thể. Phương pháp này đã được bác sĩ Charles D. Kelmen giới thiệu lần đầu tiên trong một báo cáo sơ bộ về “Phẫu thuật Phaco – Kỹ thuật mới giúp loại bỏ đục thủy tinh thể” được công bố vào tháng 7/1967 trên Tạp chí Nhãn khoa của Hoa Kỳ. Cùng tìm hiểu rõ hơn về kỹ thuật này trong bài viết dưới đây:

Khái niệm

Phẫu thuật Phaco

Phẫu thuật Phaco viết tắt của Phacoemulsification. Đây là phẫu thuật chuyên khoa nhằm khôi phục thị lực cho các bệnh nhân bị đục thủy tinh thể. Bệnh đục thủy tinh thể bản chất là do thủy tinh thể mất đi tính trong suốt, trở nên mờ đục và ngăn cản ánh sáng truyền qua mắt. Từ đó dẫn đến tình trạng mờ mắt. Khi thị lực bị suy giảm đến một mức độ nào đó bác sĩ sẽ có chỉ định mổ Phaco.

Theo đó người ta sẽ sử dụng một thiết bị để phá vỡ cấu trúc thủy tinh thể bên trong rồi hút nó ra ngoài. Tiếp đến là thay thế một ống kính nội nhãn còn gọi là thủy tinh thể nhân tạo vào thế cho vị trí thủy tinh thể ban đầu. Nhờ đó là người bệnh có thể khôi phục lại thị lực.

Bác sĩ Kelmen sáng tạo ra phương pháp Phaco nhằm tối ưu hóa việc loại bỏ đục thủy tinh thể chỉ với một đường rạch có kích thước nhỏ, giúp bệnh nhân bớt đau đớn và khôi phục nhanh hơn.

Ông đã sử dụng đầu dò (Phaco tip) phát ra sóng siêu âm để có thể phá vỡ thủy tinh thể. Sau này các chuyên gia nghiên cứu ngày càng cải tiến và phát triển hơn phương pháp này để phẫu thuật nâng cao tính an toàn và tăng tỷ lệ thành công.

Phaco Iol là gì

Iol là từ viết tắt của Intraocular lens. Đây là nhân thủy tinh thể nhân tạo được dùng để thay thế cho người bị đục thủy tinh thể. Bản chất của thủy tinh thể nhân tạo là một thấu kính hội tụ, kích thước nhỏ, được chế tạo để phù hợp với mắt người. 

Trong chuyên ngành nhãn khoa có hai loại thủy tinh thể nhân tạo đó là:

Thủy tinh thể đơn tiêu cự: Đây là loại truyền thống trước đây vẫn hay được sử dụng trong các trường hợp bị đục thủy tinh thể. Nó giúp giải quyết được vấn đề cơ bản là cải thiện thị lực cho người bệnh. Nhưng nhược điểm của nó là chỉ duy trì thị lực tốt ở một khoảng cách, thường là khoảng cách nhìn xa. Vì vậy mà người bệnh sẽ gặp khó khăn trong các công việc, hoạt động ở tầm nhìn gần và trung gian, cần có sự hộ trợ của kính đeo như xem ti vi, đọc sách báo, chơi điện thoại.

Thủy tinh thể đa tiêu cự: Là một bước cải tiến đột phá của các chuyên gia trong ngành, sử dụng thủy tinh thể đa tiêu cự giúp khắc phục nhược điểm của loại đơn tiêu cự. Theo đó người bệnh sau phẫu thuật có thể nhìn tương đối rõ ở cự ly gần (30-50cm), cự ly tầm trung (50-100cm) và cự ly tầm xa (>1m) mà không cần đến kính. Nhưng nhược điểm của nó đó là người bệnh có thể gặp phải các vấn đề về rối loạn thị giác như hiện tượng quầng, chói, lóa, nhìn màu sắc kém, khó nhìn khi trời tối… 

Loại đa tiêu cự này thường thấy là 2 hoặc 3 tiêu cự. Có nghĩa là sau khi thay người bệnh chỉ có thể nhìn rõ ở 2-3 khoảng cách cố định. Những khoảng cách còn lại thì có độ nhòe nhất định. 

Các loại thủy tinh thể phổ biến trong phẫu thuật Phaco gồm có:

  • Thủy tinh thể Hoya PY-60R: Thiết kế nhỏ gọn, dễ đưa vào trong và nằm gọn trong cấu trúc bao trong.
  • Thủy tinh thể I flex: Chất liệu tương hợp sinh học cao cấp có độ an toàn cao có thể thay thế thủy tinh thể của con người. 
  • Thủy tinh thể IQ SN6WWF: Loại này có tác dụng chống các tia sáng xanh gây hại cho mắt và giảm quang sai.
  • Thủy tinh thể INFO và LUCIDIS: Làm bằng chất liệu Acrylic ưa nước, cấu trúc cong giúp cho nó có thể ổn định và định tâm tốt tại bao trong. Công nghệ thiết kế EDOF giúp tăng độ sâu trường ảnh.
  • Thủy tinh thể TORIC: Thích hợp với những người có loạn thị giác mạc đi kèm đục thủy tinh thể. 

Quy trình phẫu thuật Phaco Bộ Y tế

Bộ Y tế quy định quy trình Phẫu thuật Phaco – (Phẫu thuật thay thủy tinh thể) sẽ trải qua các bước như sau:

Bước 1: Người bệnh khi đi khám để mổ Phaco sẽ cần chuẩn bị các giấy tờ cần thiết gồm có Căn cước công dân, thẻ BHYT (nếu có), sổ y bạ đã khám bệnh trước đó. Cần nhịn ăn sáng mới có thể tiến hành phẫu thuật được.

Bước 2: Khi đến bệnh viện người bệnh cần tiến hành làm thủ tục đúng theo quy định đó là đăng ký và lấy số khám thông qua quầy lễ tân hoặc gọi điện đặt lịch trước với bệnh viện. Khi đăng ký thì cần xuất trình căn cước công dân, thẻ bảo hiểm hoặc giấy chuyển tuyến tại nơi khám chữa bệnh ban đầu (nếu cần)

Bước 3: Người bệnh sẽ được thử thị lực. Căn cứ vào tình hình cụ thể của người bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra những sự tư vấn cần thiết. Tiếp theo là thực hiện các cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh chuyên sâu gồm có đo nhãn áp, siêu âm các định số của thủy tinh thể nhân tạo.

Bước 4: Người bệnh được tư vấn về các loại thủy tinh thể nhân tạo và được chọn loại phù hợp với mình.

Bước 5: Người bệnh làm thủ tục, đóng viện phí.

Bước 6: Người bệnh hoàn thành thủ tục sẽ được hướng dẫn đưa về buồng bệnh.Thực hiện xét nghiệm các chỉ số máu và chỉ số nước tiểu cần thiết.

Bước 7: Phẫu thuật nếu được thực hiện luôn trong ngày thì sau khi đã chuẩn bị đầy đủ về phòng mổ, ê kíp mổ và bệnh nhân thì sẽ tiến hành mổ. Phẫu thuật này chỉ kéo dài khoảng 15-20 phút, không đau, không chảy máu và có tính an toàn cao.

Bước 8: Người bệnh nghỉ ngơi và theo dõi tại phòng hậu phẫu khoảng 30 phút sau đó được khám lại rồi nhận giấy ra viện, nhận thuốc và kính bảo vệ mắt. Sau đó được hẹn lịch tái khám sau 1 ngày.

Quy trình kỹ thuật mổ Phaco

Quy trình mổ Phaco thông thường sẽ trải qua 9 bước cơ bản sau:

  • Bước 1: Nhỏ thuốc giãn đồng tử, thuốc kháng sinh và chống viêm cho người bệnh trước khi tiến hành phẫu thuật.
  • Bước 2: Nhỏ thuốc gây tê tại chỗ để gây tê bề mặt. Một số trường hợp lại áp dụng biện pháp gây tê cạnh cầu.
  • Bước 3: Vệ sinh vùng mắt để đảm bảo vô khuẩn.
  • Bước 4: Tiến hành dùng dao cơ học để rạch một đường kích thước 2-3mm bên trong tiền phòng của nhãn cầu.
  • Bước 5: Bơm chất dịch nhầy vào bên trong tiền phòng mục đích để bảo vệ các tế bào nội mô và các cơ quan bên trong mắt.
  • Bước 6: Xé bao trước của thủy tinh thể. Tách nước để cho thủy tinh thể có thể xoay tự do bên trong bao. Sử dụng đầu Phaco để tán nhuyễn thủy tinh thể này rồi hút toàn bộ nhân ra ngoài.
  • Bước 7: Phải hút thật sạch các chất ở trong túi bao của thủy tinh thể. Sau đó đặt vào trong bao đó loại thủy tinh thể phù hợp với người bệnh (đã được bác sĩ tư vấn là lựa chọn trước đó). Thủy tinh thể mới này chất liệu mềm , được cuộn lại để dễ dàng đưa vào bao trong. Đặt nó vào đúng vị trí thì nó sẽ tự duỗi ra đúng với hình dạng ban đầu và có thể thực hiện được chức năng tương tự thủy tinh thể tự nhiên của người bệnh trước đó. 
  • Bước 8: Bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành tái tạo lại cấu trúc cùng hình dáng của tiền phòng. Dùng kháng sinh bơm vào để phòng chống nhiễm khuẩn sau phẫu thuật.
  • Bước 9: Tra thuốc và băng mắt lại.

Chuẩn bị bệnh nhân trước mổ Phaco

Người bệnh trước khi phẫu thuật cần chuẩn bị những điều sau:

  • Ăn uống bình thường trước khi phẫu thuật.
  • Tuyệt đối không sử dụng bia rượu hay chất kích thích trước khi phẫu thuật.
  • Nếu đang sử dụng thuốc định kỳ cần tham khảo ý kiến bác sĩ.
  • Giữ sạch vùng khuôn mặt nhất là mắt, không đánh phấn, trang điểm để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
  • Ngủ đủ giấc và chuẩn bị tâm lý thoải mái trước ngày phẫu thuật. 
  • Nên có người đi cùng trong ngày phẫu thuật, tránh đi lại và lái xe một mình.

Khi đến viện, người bệnh sẽ được hướng dẫn chuẩn bị và làm các thủ tục sau:

  • Tiến hành khám mắt tổng quát để xác định mức độ đục, lựa chọn phương pháp phẫu thuật thích hợp nhất. Các kỹ thuật gồm có đo thị lực dưới cường độ ánh sáng cao và thấp, kiểm tra cấu trúc mắt, đo độ giãn đồng tử, đánh giá tầm nhìn, đo áp lực nội nhãn, soi đáy mắt…
  • Kiểm tra sức khỏe tổng quát trước khi phẫu thuật để dự phòng, hạn chế các biến chứng có thể xảy ra trong và sau phẫu thuật. Bệnh nhân cũng cần nói với bác sĩ các loại thuốc mình đang sử dụng vì có thể gây ảnh hưởng đến phẫu thuật. Ví dụ như sử dụng Aspirin chống đông sẽ tăng nguy cơ xuất huyết nội nhãn.
  • Siêu âm A-Scan đo độ dài nhãn cầu, xác định độ khúc xạ của ống kính nội nhãn. Thực hiện các cận lâm sàng thường quy như X-quang ngực, công thức máu, xét nghiệm nước tiểu.
  • Một số người bệnh cần cho sử dụng kháng sinh trước phẫu thuật để hạn chế tình trạng nhiễm trùng. 
  • Tiến hành phẫu thuật từng mắt một. Không làm cả hai trong cùng một lần. Sau khi mắt đầu tiên lành hẳn mới phẫu thuật mắt còn lại.

Mổ Phaco giá bao nhiêu

Hiện nay không có mức giá cố định cho mổ Phaco bởi vì chi phí mổ còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như:

  • Lựa chọn bệnh viện mổ. Các bệnh viện mắt quốc tế, bệnh viện tuyến trung ương có chất lượng dịch vụ tốt, chuyên gia hàng đầu… thì chi phí mổ sẽ cao hơn so với các viện còn lại.
  • Loại thấu kính
  • Dịch vụ khám tiền phẫu thuật.
  • Phẫu thuật.

Theo đó chúng tôi có một số thống kê về các khoản chị phí cụ thể như sau:

Chi phí mổ: 2-5 triệu đồng.

Giá thủy tinh nhân tạo:

  • Thủy tinh thể đơn tiêu cự: 2-5 triệu đồng.
  • Thủy tinh thể đa tiêu cự: 19-25 triệu đồng.
  • Thủy tinh thể đơn tiêu cự điều chỉnh loạn thị: 12-15 triệu đồng.
  • Thủy tinh thể đa tiêu cự điều chỉnh loạn thị: 32-45 triệu đồng.

Như vậy chi phí mổ Phaco sẽ rơi vào khoảng từ 4-60 triệu đồng chưa kể các khoản thăm khám, xét nghiệm, chăm sóc đi kèm trước đó. Đây chỉ là giá tham khảo chung, bởi vậy để biết chi tiết người bệnh nên trực tiếp liên lạc với nhân viên tư vấn của bệnh viện. Vì mỗi nơi sẽ có chính sách ưu đãi cũng như các phụ phí riêng cho khách hàng của họ.

Chi phí này chỉ mất một lần do thủy tinh thể nhân tạo có thời hạn sử dụng vĩnh viễn. Chúng sẽ tồn tại suốt đời trong đôi mắt người bệnh mà không bị thoái hóa hay hỏng theo thời gian.

Chi phí gói phẫu thuật Phaco bảo hiểm thanh toán

Đối với những bệnh nhân có bảo hiểm y tế đúng tuyến sẽ được Bảo hiểm hỗ trợ thanh toán một phần chi phí của gói phẫu thuật Phaco theo công văn số 338/BHXH-CSYT của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Cụ thể như sau:

“-Bệnh viện huyện nơi phối hợp với cơ sở KCB tuyến tỉnh thực hiện mổ đục thuỷ tinh thể bằng phương pháp Phaco tổng hợp chi phí mổ Phaco của người bệnh BHYT để thanh toán với cơ quan Bảo hiểm xã hội theo đúng quy định, đảm bảo đúng và đủ thủ tục khám chữa bệnh BHYT;

-Thanh toán tiền dịch vụ Phẫu thuật đục thuỷ tinh thể bằng phương pháp Phaco, tiền giường bệnh, tiền xét nghiệm cận lâm sàng… theo giá được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện tại bệnh viện huyện; thanh toán tiền thuốc, vật tư y tế tiêu hao, vật tư thay thế (VTYTTH, VTTT) theo giá mua vào của bệnh viện huyện nhưng không vượt giá đấu thầu trên địa bàn tỉnh;

-Không tổng hợp thanh toán phần chi phí đã được ngân sách của tỉnh hoặc các nguồn tài trợ khác (nếu có) hỗ trợ. Trường hợp nguồn ngân sách của tỉnh hoặc các nguồn tài trợ khác không nêu cụ thể hỗ trợ cho khoản chi nào thì tổng hợp thanh toán như sau:

Chi phí xét thanh toán (A) = Tổng chi phí theo chế độ BHYT – Kinh phí hỗ trợ

Phần cùng chi trả của người bệnh sẽ là 5% x (A) hoặc 20% x (A).

Đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện theo hướng dẫn trên, trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo Bảo hiểm xã hội Việt Nam xem xét giải quyết.”

Căn cứ vào đó người bệnh có thể tìm hiểu nhằm nhận được mức hỗ trợ thích hợp với bản thân mình. Thường thì con số này sẽ là từ 2-4 triệu đồng.

Các câu hỏi thường gặp khi phẫu thuật Phaco

Mắt mờ sau mổ Phaco

Có một số trường hợp sau mổ Phaco thấy mắt bị mờ là do:

  • Đục bao sau thứ phát. Bao sau là phần còn giữ lại khi phẫu thuật để đặt thủy tinh thể nhân tạo lên trên. 
  • Tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc.
  • Thoái hóa hoàng điểm tuổi già, glocom…
  • Các bệnh lý toàn thân có liên quan tới mắt.

Nếu là do đục bao sau thứ phát thì cách giải quyết tương đối đơn giản đó là laser mở bao sau, thị lực sẽ khôi phục lại. Còn các trường hợp sau thì tương đối khó tác động.

Mổ mắt Phaco bị nhiễm trùng

Nhiễm trùng sau mổ Phaco là một biến chứng có thể xảy ra ở phẫu thuật này. Nếu không được phòng ngừa và xử trí kịp thời có thể gây hoại tử mắt. Bởi vậy sau phẫu thuật người bệnh phải chú ý những điều sau:

  • Khi mắt bị chảy dịch và ngứa thì nên dùng khăn sạch hoặc vải ẩm, ấm để vệ sinh mắt. Tuyệt đối không dùng tay.
  • Quay trở lại khám 1 ngày sau phẫu thuật để được bác sĩ kê thuốc nhỏ chống nhiễm trùng và kiểm soát tốt áp lực nội nhãn. 
  • Đeo kính bảo hộ để bảo vệ mắt kể cả khi ngủ.
  • Tránh cọ xát, va đập vùng mắt.

Mổ Phaco bao lâu làm việc bình thường

Mọi người có chung thắc mắt là mổ Phaco bao lâu mới có thể trở lại làm việc bình thường? Mặc dù là một cuộc đại phẫu nhưng thời gian phẫu thuật tương đối ngắn, chỉ 5-7 phút. Sau phẫu thuật người bệnh chỉ cần ở lại theo dõi 30 phút. Nếu không có gì bất thường thì bệnh nhân sẽ ra về và trở lại tái khám vào hôm sau và hẹn lịch tái khám cho các lần tiếp theo. 

Không có một xâu trả lời chính xác cho vấn đề bao lâu mắt nhìn lại bình thường bởi vì nó sẽ khác nhau ở các bệnh nhân.

Nhưng theo như một số bệnh nhân chia sẻ thì họ có thể bắt đầu nhìn được trở lại vào 24h sau mổ. Thị lực được dần dần cải thiện vào các ngày sau đó. Một số tác dụng phụ khó chịu như ngứa nhẹ, nhạy cảm với ánh sáng, khô mắt, chảy nước mắt… có thể kéo dài thêm vài ngày. Nhưng trung bình người bệnh sẽ phục hồi hoàn toàn sau 4-6 tuần, nhưng có một số người thì kéo dài hơn, thậm chí lên đến 1-3 tháng.

Để biết thêm thông tin chi tiết hơn về Phẫu thuật Phaco – (Phẫu thuật thay thủy tinh thể) hãy liên hệ với Bệnh viện mắt Việt Nhật. Các chuyên gia về mắt hàng đầu sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc một cách tường tận nhất. Liên hệ tại:

  • Địa chỉ: số 122 Triệu Việt Vương – Phường Bùi Thị Xuân – Quận Hai Bà Trưng – TP. Hà Nội
  • Số điện thoại: (024) 3974 8307