Bệnh lý võng mạc do tăng huyết áp là một trong những biến chứng mà người bị tăng huyết áp lâu năm có tỷ lệ mắc phải rất cao. Nó gây tổn thương hệ mạch máu võng mạc và ảnh hưởng tới thị lực của người bệnh. Vậy cơ chế gây tổn thương là gì, các triệu chứng của bệnh và cách phòng ngừa tốt nhất là gì? Hãy cùng tìm hiểu rõ hơn trong bài viết dưới đây:
Nội dung
Tìm hiểu về bệnh lý võng mạc do tăng huyết áp
Khác với những cơ quan khác thì võng mạc là nơi cho chúng ta thấy rõ nhất để quan sát và nghiên cứu hệ thống mạch máu. Từ đó có thể sơ bộ giúp đánh giá cũng như tiên lượng tình trạng hệ mạch máu toàn thân do chúng có đặc điểm về cấu tạo giải phẫu và chức năng sinh lý giống nhau.
Bệnh võng mạc do tăng huyết áp có thể coi là một biến chứng của bệnh lý này, khi huyết áp của người bệnh tăng quá cao dẫn đến thành mạch máu của võng mạc bị dày lên. Các mạch máu tại đây cũng bị thu hẹp lòng. Hậu quả đó là máu tới nuôi võng mạc bị hạn chế, nhiều trường hợp còn bị phù nề võng mạc. Nếu tăng huyết áp không kiểm soát tốt, diễn biến trong một thời gian dài sẽ gây ra tổn thương các mạch máu của võng mạc khiến cho chức năng của nơi này bị hạn chế, tạo ra những áp lực lên thần kinh thị giác và ảnh hưởng tới thị lực người bệnh sau này.
Triệu chứng điển hình của bệnh lý võng mạc do tăng huyết áp
Ở giai đoạn sớm thì các triệu chứng của bệnh lý võng mạc không có nhiều và cũng không rõ rệt. Bởi vậy nên người bệnh thường chủ quan. Khi bệnh tiến triển nặng và thực sự nghiêm trọng thì người bệnh sẽ có các dấu hiệu dưới đây:
- Giảm tầm nhìn
- Mắt bị sưng
- Đứt vỡ các mạch máu
- Hình ảnh song thị đi kèm triệu chứng toàn thân như đau đầu…
Nếu bạn gặp các triệu chứng kể trên và đo huyết áp thấy tăng cao thì tốt nhất nên nhanh chóng đến các cơ sở y tế gần nhất để có phương pháp điều trị phù hợp, đảm bảo cho chức năng các hệ cơ quan khác trong cơ thể không bị ảnh hưởng.
Nguyên nhân và cơ chế bệnh sinh
Nguyên nhân ở đây có thể khẳng định là tình trạng tăng huyết áp không kiểm soát. Tăng huyết áp là một trong những bệnh lý tim mạch khá phổ biến hiện nay, đây cũng đang là vấn đề khá nhức nhối của xã hội bới những biến chứng của nó gây ra ảnh hưởng lớn tới sức khỏe, tàn phế và thậm chí là tử vong cho người bệnh, nhất là người cao tuổi. Tỷ lệ mắc bệnh tăng huyết áp ngày càng cao. Bệnh nếu tiến triển trong một thời gian dài sẽ dẫn đến những tổn hại cho mạch máu, từ đó gây tổn thương cho nhiều cơ quan đích trong cơ thể như tim, não, thận và cả võng mạc mắt.
Bản chất của bệnh lý võng mạc mắt do tăng huyết áp là do:
Rối loạn chức năng thành mạch
Hầu hết các hệ động mạch trong cơ thể thích nghi với tình trạng tăng huyết áp bằng cách phì đại hoặc tăng sản lớp cơ trơn thì hệ động mạch võng mạc lại khá đặc biệt khi chúng có cơ chế tự thích nghi riêng. Ở giai đoạn sớm của tăng huyết áp thì động mạch võng mạc đã thích nghi bằng cách tự co thắt và tăng trương lực cơ. Nó được kéo dài trong một thời gian nhất định cho đến khi xuất hiện sự đứt gãy liên kết nội mô và hoại tử thành động mạch nhất là vị trí tiền mao mạch.
Tổn thương khởi phát tại lớp nội mô liên kết có liên quan đến sự căng giãn thành mạch cộng với lớp áo cơ trơn xung quanh bị thoái hóa. Lớp nội mô bị giãn mỏng quá mức dẫn tới thủng. Hậu quả là huyết tương tràn vào bên trong thành mạch, chiếm chỗ của lớp cơ trơn thoái hóa mà gây ra tình trạng dày thành, hẹp lòng mạch. Lâu dần sẽ hình thành xơ cứng thứ phát.
Quá trình tổn thương động mạch võng mạc gồm
- Giai đoạn co thắt
- Thoái hóa cơ trơn
- Tổn thương khu trú lớp nội mô làm huyết tương thoát vào lòng mạch.
- Hoại tử thành mạch và tích tụ xuất tiết nội mạch làm thu hẹp lòng mạch.
Những thay đổi ngoại mạch
Tại võng mạc vào giai đoạn co thắt và tăng trương lực cơ võng mạc thì biểu hiện trên lâm sàng là co động mạch lan tỏa hoặc khu trú. Một loạt các thay đổi ngoại mạch là:
- Dày thành mạch
- Tăng sản thành mạch
- Biến đổi vị trí bắt chéo động – tĩnh mạch và ánh động mạch lan rộng.
- Xuất tiết, tăng tính thấm thành mạch.
- Hàng rào máu võng mạc bị phát vỡ, lớp cơ trơn và nội mô bị hoại tử làm thoát các thành phần hữu hình trong máu và gây thiếu máu cục bộ võng mạc.
Tăng huyết áp có thể gây nên những tổn thương nào cho võng mạc
Người bị tăng huyết áp cần kiểm soát huyết áp của mình ở trong mức giới hạn bình thường ổn định nhằm hạn chế tối đa các biến chứng có thể xảy ra trong đó có bệnh lý võng mạc của mắt. Khi có biến chứng về Bệnh lý võng mạc do tăng huyết áp sẽ có những tổn thương dưới đây:
- Co động mạch: Đây là đáp ứng sinh lý của cơ thể đối với tình trạng tăng huyết áp động mạch. Hiện tượng này có thể khu trú hoặc lan tỏa làm cho các động mạch bị cứng thẳng hay chia nhánh vuông góc tạo nên hình ảnh thưa thớt của hệ mạch võng mạc.
- Xơ cứng động mạch: Trong quá trình các sợi collagen trong mạch thoái hóa trở nên xơ cứng thì thành mạch sẽ bị dày lên và thu hẹp lòng mạch. Động mạch mất đi sự đàn hồi, bị hyaline hóa tạo nên hình ảnh sợi dây bạc.
- Bắt chéo động – tĩnh mạch: Vị trí bắt chéo của động tĩnh mạch được tạo bởi một bao xơ chun chung. Khi mà động mạch bị xơ cứng và dày lên sẽ đè đẩy, chèn ép tĩnh mạch tại vị trí bắt chéo trên.
- Xuất huyết võng mạc: Đặc điểm là những xuất huyết nông giống như hình ngọn nến nằm dọc theo các sợi thần kinh quanh những mạch máu lớn gần với đĩa thị. Hoặc cũng có thể tạo ra những xuất huyết sâu hơn.
- Xuất tiết bông: Còn gọi là xuất tiết mềm. Nó có hình ảnh những đám trắng bờ không rõ nằm nông che lấp các mạch máu hoặc chúng có thể nằm gần các mạch máu lớn.
- Xuất tiết cứng: Khác với xuất tiết bông, xuất tiết cứng là những đám màu vàng nằm sâu, có ranh giới rõ và thường nằm ở cực sau. Chúng có thể xếp cùng với nhau tạo thành hình nan hoa lan tỏa ra quanh hoàng điểm và tạo thành những sao hoàng điểm. Cũng có đôi khi chúng ta bắt gặp chúng tập trung lại tạo thành một đám thâm nhiễm lớn.
- Phù đĩa thị: Là hiện tượng đĩa thị bị mờ, ranh giới không rõ và hơi nhô lên có màu trắng. các tĩnh mạch thì bị giãn ngoằn ngoèo, cương tụ và kèm theo đó là tình trạng giãn mao mạch, đôi khi là có xuất huyết trước đĩa thị.
>>>Xem thêm
Phân độ bệnh lý võng mạc do tăng huyết áp
Có nhiều cách phân độ trong bệnh lý võng mạc có nguyên nhân bắt nguồn từ tăng huyết áp. Cụ thể là:
Phân độ của Keith-Wagener-Baker
Phân độ |
Nội dung |
Độ I |
Co nhỏ động mạch lan tỏa nhẹ |
Độ II |
Co nhỏ khu trú rõ rệt và bắt chéo động – tĩnh mạch |
Độ III |
Độ II kèm theo xuất huyết võng mạc, xuất tiết cứng, xuất tiết bông |
Độ IV |
Độ III kèm theo phù gai |
Phân độ của Scheie
Phân độ |
Nội dung |
Độ 0 |
Không có thay đổi gì |
Độ 1 |
Rất khó phát hiện co nhỏ động mạch |
Độ 2 |
Co nhỏ động mạch rõ rệt kèm theo biến đổi ánh động mạch bất thường. |
Độ 3 |
Độ 2 kèm theo dấu hiệu dây đồng và xuất huyết võng mạc hoặc xuất tiết cứng |
Độ 4 |
Độ 3 kèm theo dấu hiệu dây bạc và phù gai |
Phân độ của Wong
Mức độ | Nội dung | Liên quan | Xử trí |
Nhẹ | Có một hoặc nhiều hơn các dấu hiệu: động mạch co nhỏ lan tỏa, động mạch co nhỏ khu trú, , bắt chéo động – tĩnh mạch, dấu hiệu dây bạc | Ít liên quan tới đột quỵ, bệnh mạch vành và nguy cơ tử vong do tim mạch | Chăm sóc thường quy, kiểm soát huyết áp theo hướng dẫn |
Trung bình | Bệnh võng mạc tăng huyết áp mức độ nhẹ kèm theo một hoặc một số các dấu hiệu sau: xuất huyết võng mạc (dạng vết, chấm, ngọn lửa), vi phình mạch, xuất tiết bông và xuất tiết cứng | Liên quan chặt chẽ với đột quỵ, suy tim xung huyết, rối loạn chức năng thận và nguy cơ tử vong do tim mạch | Đánh giá chi tiết nguy cơ tim mạch (VD: mỡ máu) và nếu có chỉ định thì phải kiểm soát nguy cơ (VD: thuốc hạ mỡ máu) |
Tiến triển ác tính | Bệnh võng mạc tăng huyết áp mức độ trung bình kèm theo phù gai | Nguy cơ tử vong và suy thận rất cao | Xử trí hạ huyết áp cấp cứu |
Điều trị và phòng ngừa bệnh
Hiện nay chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu về biến chứng tại võng mạc của bệnh lý tăng huyết áp này. Các biện pháp chữa bệnh chủ yếu tập trung vào đó là hạ áp, điều trị triệu chứng bệnh. Khi đã có biến chứng xảy ra thì rất khó để lấy lại sức khỏe đôi mắt như ban đầu. Bởi vậy ngay từ đầu, giai đoạn sớm người bệnh cần có ý thức chủ động trong việc phòng ngừa. Đó là:
- Kiểm soát huyết áp bằng các sử dụng thuốc điều trị thường xuyên, đúng liều lượng, đúng thời gian.
- Có thói quen sống lành mạnh gồm có: Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, chế độ ăn nhạt, hạn chế các loại thực phẩm có hại như caffein, đồ uống có cồn, thức ăn nhanh, thay vào đó nên ăn nhiều rau xanh, trái cây.
- Bỏ thuốc lá vì đây cũng là yếu tố thuận lợi khiến tăng huyết áp diễn biến nặng hơn.
- Đối với những người bị tăng huyết áp lâu năm cần định kỳ kiểm tra mắt nhằm phát hiện sớm các biến chứng về mắt và có cách xử trí, điều trị phù hợp.
Hãy để Bệnh viện mắt Việt Nhật giúp bạn giữ gìn sức khỏe đôi mắt thân yêu của chúng ta.
ĐẶT LỊCh KHÁM NGAY BÂY GIỜ THEO HƯỚNG DẪN DƯỚI ĐÂY:
- ☎️Hotline: 0985670637
- Địa chỉ: 122 Triệu Việt Vương- Hai Bà Trưng- Hà Nội
Chúng ta đã tìm hiểu rất rõ về Bệnh lý võng mạc do tăng huyết áp. Hy vọng thông qua bài viết trên quý bạn đọc đã biết rõ hơn về một trong những biến chứng khá nặng nề của tăng huyết áp và chủ động hơn trong việc kiểm soát tốt chỉ số huyết áp bằng các phương pháp khác nhau sao cho duy trì ở mức ổn định.